Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin xã Định Công như thế nào?
227 người đã bình chọn
17 người đang online

100%

Khái quát vùng đất và con người Định Công

Định Công là một xã nằm ở phía cuối của huyện Yên Định, cách trung tâm huyện (thị trấn Quán Lào) 13 km về phía Đông Nam, cách thành phố Thanh Hóa 32 km.

Xã nằm bên dòng sông Mã, sông Cầu Chày và dãy núi Voi bao quanh. Xã có vị trí địa lý: thượng chí là nghè trúc (phối thờ đền Bà Triệu) tại núi Quan Yên, giáp với xã Định Tiến, hạ chí là Ngã Ba Bông giáp 6 huyện: Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định và Thiệu Hóa, phía tây nam thượng chí giáp với Chu Vu (sườn Chò Vò, núi giáp giữa làng Cẩm Trướng và làng Hải), phía đông nam là sông Cầu Chày chảy từ thượng nguồn xuống, qua xã Định Thành đến Định Công rồi đổ ra sông Mã.

Núi Quan Yên đã được các nhà khảo cổ học phát hiện là nơi cư trú, nơi chế tác công cụ - là di chỉ xưởng của con người sơ kỳ đá cũ cách ngày nay khoảng 30 – 40 vạn năm. Đây cũng là nơi có nhiều dấu tích gắn với truyền thuyết về Bà Triệu – vị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Đông Ngô (năm 248).

Ngã Ba Bông nơi tiếp giáp 6 huyện, địa danh mà “một con gà gáy 6 huyện cùng nghe”. Khu vực ngã Ba Bông tạo nên một quần thể các di tích văn hóa của 6 huyện: Huyện Vĩnh Lộc có động Tiên Sơn, huyện Hà Trung có đền Cô Bơ, đền Đức Ông, huyện Hậu Lộc có đền cô Chín. Xã Định Công – huyện Yên Định có nhà thờ công giáo tháp chuông cao đứng giữa trời mây non nước, có khu mộ và công trình Phủ Cẩm thờ công chúa Ngọc Hoa (Bà Đức Thánh Mẫu), di tích Đình Cẩm trướng, di tích Lê Quận Công (Lê Quốc Thực), Từ đường Phạm Quận Công (Phạm Đăng Khoa).

Sông Mã, sông Cầu Chày chạy qua địa bàn xã từ xưa đến nay vẫn chiếm vị trí quan trọng tỏng đời sống nhân dân các làng xã Định Công. Hai con sông này đã bồi đắp nên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và rất màu mỡ. Do có hai con sông chảy qua nên hiện nay ở Định Công có 2 bến đò ngang đó là bền đò Phú Ninh, bến đò Khang Nghệ và 1 cầu phao phục vụ đưa đón khách và nhân dân trong xã qua lại giao lưu, thông thương với các xã vùng lân cận.

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 651,63ha, trong đó đất nông nghiệp là 390,35ha, đất phi nông nghiệp là 238,02ha, đất ở là 62,21ha. Dân số của xã là 3812 người với 1.190 hộ, được phân bố ở 4 làng (7 thôn) trong xã.

Định Công nằm trong vùng đồng bằng của huyện Yên Định, có khí hậu đặc trưng của khu vực nhiệt đới gió mùa. Độ ẩm không khí trung bình hàng năm từ 65 - 68%. Bình quân nhiệt độ trong năm dao động trong khoảng 220C - 250C. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình từ 280C - 320C, cao nhất là 370C - 390C. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình từ 150C - 200C, thấp nhất từ 60C - 80C. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.900mm. Mưa thường tập trung từ tháng 6 đến tháng 10.                                                                                                                                                                                                                          

Định Công chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính: gió mùa Đông Bắc (thường xuất hiện vào đầu tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mang theo mưa phùn, nhiệt độ xuống thấp, gió rét, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống) và gió Tây Nam (xuất hiện khoảng cuối tháng 4 đến tháng 9 mang theo không khí khô nóng). Nhìn chung, điều kiện thời tiết trên địa bàn xã Định Công thuận lợi cho sinh hoạt và các ngành sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, thâm canh cây lương thực, cây rau màu, chăn nuôi. Tuy nhiên, đôi khi sảy ra thiên tai bất lợi cho đời sống và sản xuất của nhân dân như lụt bão về mùa mưa, mùa đông có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài … 

  Hình ảnh cánh đồng, nhìn về làng Phú Ninh

          Đất đai ở Định Công tập trung chủ yếu là loại đất phù sa được bồi đắp hàng năm bởi dòng sông Cầu Chày. Loại đất này có thành phần cát pha, đất thịt nhẹ, tơi xốp, thuận lợi cho việc trồng các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đây cũng là nơi thường xuyên bị ngập lụt nên phải bố trí các loại cây trồng phù hợp để tránh thiệt hại về mùa mưa lũ.

          Ngoài sản xuất nông nghiệp là nghề sống chính của người nông dân, ở Định Công còn có nghề phụ nổi tiếng như nghề làm gạch, ngói ở làng Cẩm Trướng nhờ có nguồn tài nguyên đất sét kết hợp với đất phù sa sông Mã, sông Cầu Chày tạo thành hai bãi lớn dọc sông, phù hợp để sản xuất gạch, ngói và làm phụ gia xi măng. Nằm ở vùng trong đê sông Cầu Chày - nơi có trữ lượng đất sét dồi dào và chất lượng cao, nên vốn từ xưa nghề làm gạch, ngói ở làng Cẩm Trướng đã rất phát triển và nổi tiếng khắp cả tỉnh. Dân gian vẫn còn lưu lại câu ca dao ca ngợi:

“Xây nhà gạch Cẩm

Mật ngọt Dương Hòa” 

          Sản phẩm gạch ngói Cẩm Trướng – Định Công không chỉ cung cấp cho nhu cầu xây dựng trong tỉnh mà còn phục vụ các tỉnh khác như: Ninh Bình, Nam Định.  

Hình ảnh xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng

            Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Định Công luôn chú trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển và có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện từng bước mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Mạng lưới điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa các làng, thôn, bưu điện văn hóa xã, công sở ủy ban nhân dân, hệ thống truyền thanh xã… không ngừng nâng cấp và hoàn thiện để phục vụ cho đời sống cư dân tại địa bàn ngày một phát triển. Hệ thống giao thông được cải thiện rõ rệt, đường liên thôn, liên xã phân phối khá hợp lý, tạo thành mạng lưới giao thông đi lại dễ dàng, đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày  cũng như giao lưu kinh tế với các vùng và các xã lân cận. Hệ thống các công trình trạm bơm, giao thông, kênh mương nội đồng được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để Định Công phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Nhìn tổng quát về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, có thể nói Định Công hội tụ được nhiều điều kiện về địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn thuận lợi để phát triển một nền kinh tế đa dạng, đặc biệt là kinh tế nông, lâm nghiệp. Cùng với phẩm chất cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, chịu thương, chịu khó của con người nơi đây là những nhân tố quan trọng để Định Công khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ sự hỗ trợ từ các ngồn lực bên ngoài để thúc đẩy mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội trong xã phát triển, từng bước thay đổi bộ mặt quê hương ngày càng phát triển đổi mới toàn diện.

 

°